Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Vượt thách thức, kéo tăng trưởng ngành chế biến gỗ năm 2017

  • THÁCH THỨC TỪ NGUỒN CUNG
    Trong 10 năm trở lại đây ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc, giá trị xuất khẩu của ngành vào năm 2010 tăng 16 lần so với năm 2000, và trong giai đoạn 5 năm gần đây (từ năm 2010 so với năm 2015) giá trị xuất khẩu ngành gỗ tăng gấp 2 lần.
    Nhưng chất lượng gỗ từ rừng trồng của Việt Nam có chất lượng không đồng đều, chủ yếu là gỗ có đường kính nhỏ, chất lượng gỗ chưa được cải thiện, năng suất tính trên 1 ha cho một chu kỳ chưa cao, và chưa đáp ứng được những loại gỗ có đường kính lớn cho chế biến xuất khẩu gỗ. Và nếu nhìn vào con số khối lượng gỗ trung bình mà ngành gỗ sử dụng trong một năm là 31 triệu m3, để phục vụ cho thị trường nội địa cũng như chế biến xuất khẩu, thì đó là thách thức không thể giải quyết trong thời gian gần.
    Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến gỗ sẽ phải giải quyết hàng loạt những vấn đề như cạnh tranh trong việc thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng sẽ diễn ra gay gắt. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến gỗ sẽ phải đối mặt với các thương nhân Trung Quốc vào thu mua gỗ rừng trồng của Việt Nam, khi Chính phủ Trung Quốc đã cấm khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Và để bù đắp cho sự thiếu hụt nguyên liệu gỗ đó, thương nhân Trung Quốc sẽ tràn ra các nước trên thế giới để thu mua nguyên liệu không chỉ ở thị trường Việt Nam mà các thị trường thế giới Việt nam đã và đang thu mua. Bên cạnh đó, các nước Lào và Campuchia đã có chính sách cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng, sẽ càng khiến cho sự cạnh tranh này quyết liệt hơn.
    Ông Quyền nhấn mạnh, thách thức về gỗ có chứng chỉ FSC, PEFC sẽ đặt các doanh nghiệp và cả những đầu mối cung cấp nguyên liệu vào cửa hẹp. Vì đối với gỗ rừng trồng, ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 200.000 ha đã được cấp chứng chỉ FSC (chiếm 8% diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước), đó là con số quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế. Và trong các năm tới, nguồn cung gỗ phải đảm bảo 100% có chứng chỉ FSC là thử thách lớn nhất với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam.
    Trong khi đó, việc tìm nhà cung cấp gỗ có nguồn gốc hợp pháp cũng là vấn đề gây đau đầu với các doanh nghiệp, khi Việt Nam mua gỗ từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng vẫn còn những nguồn chưa thật sự được kiểm soát. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu trung bình từ 7,5 - 8 triệu m3 gỗ tròn và tăng hàng năm càng tạo ra áp lực lớn hơn cho ngành gỗ.

  • Ngành chế biến gỗ năm 2017: Vượt thách thức, kéo tăng trưởng
Hàng loạt sự thay đổi trong nguồn cung gỗ từ các quốc gia trong khu vực, đã đặt ra những bài toán đầy thách thức cho việc đảm bảo nguồn cung cho ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới, không chỉ đáp ứng mức tăng trưởng ở mức 10-15%/năm mà vẫn phải đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp. Năm 2016 Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán VPA/FLEGT và sau khi Hiệp định có hiệu lực, tất cả các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU đều phải có nguồn gốc hợp pháp. Cùng với sự thay đổi về chính sách quản lý gỗ ở Myanmar, Lào hay Trung Quốc theo chiều hướng siết chặt xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ sẽ tác động rất lớn tới nguồn cung gỗ của Việt Nam.
TÌM LỢI THẾ TRONG NĂM 2017
Theo bà Dương Phương Thảo – Bộ Công thương, thị trường đồ gỗ hiện tại có giá trị khoảng 400 tỉ USD, và Việt Nam có rất nhiều dư địa để phát triển. Nhưng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế thế giới đang bước vào cuộc khủng hoảng mới, và thị trường thế giới sẽ diễn biến theo chiều hướng tiêu cực hơn, đó là một vấn đề các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần tính toán để xây dựng được lộ trình phát triển, giá thành sản phẩm hợp lý trong năm tới.
Bà Thảo nhận định, nhu cầu nguồn gỗ nguyên liệu sẽ tăng lên, nhưng cung sẽ thiếu hụt, và quan trọng hơn mức tăng trưởng của ngành trong năm 2017 nhiều khả năng tăng một con số (dưới 10%), và xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam cần đánh giá chính xác ở giá cả, chất lượng và nguồn cung. Và Chính phủ sẽ có cơ chế hợp lý để bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp về việc liên kết các nguồn nguyên liệu trên thị trường.
Còn ông Bùi Như Việt - Phó chủ tịch Hội chế biến gỗ tình Bình Dương khuyến nghị, chính sách trồng rừng, bao gồm: thuế đối với sản phẩm phôi gỗ cao su, cải thiện giống đối với cây keo, tràm và cao su và các giải pháp đồng bộ khác sẽ giải quyết phần nào các thách thức của ngành gỗ trong năm 2017.
Và theo ông Trần Lê Huy - Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA), lợi thế của doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam sẽ là các quyết định của Chính phủ về hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu một cách hiệu quả, sẽ bảo vệ được nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng được cung cấp đầy đủ và bền vững trong năm tới, cũng như giúp các doanh nghiệp chế biến giảm bớt áp lực từ nguồn cung, và tạo ra được hướng phát triển ổn định.